XÔI HỎNG BỎNG KHÔNG
Xôi và bỏng là hai món ăn được nhiều người ưa thích. Xôi được đồ từ gạo nếp, còn bỏng là thứ bánh làm bằng gạo rang trộn với mật. Mặc dù hai thứ được chế biến khác nhau nhưng nhiều khi từ xôi người ta có thể làm ra bỏng được. Tuy nhiên cũng có trường hợp xôi bị hỏng nặng thì không thể làm bỏng được nữa. Từ thực tế đó, nhân dân ta đã dùng thành ngữ “Xôi hỏng bỏng không” để chỉ sự mất mát lớn không thu lại được gì, cái này cũng không đạt, cái kia cũng không có, mất hết.
Song cũng có cách giải thích rằng thành ngữ này xuất phát từ một câu chuyện dân gian. Chuyện kể rằng, ngày xưa vào những dịp lễ chùa, nhà chùa thường phát xôi và bỏng cho những người đến dự lễ. Sau buổi lễ, mỗi người sẽ được phát một trong hai thứ đó, hoặc xôi, hoặc bỏng. Có lần một người đang đứng ở chỗ phát xôi thì xôi hết, người đó bèn chạy sang chỗ phát bỏng. Nhưng khi đến lượt người đó thì bỏng cũng không còn. Vậy là xôi cũng không được mà bỏng cũng không được. Từ câu chuyện đó, nhân dân ta đã tạo ra thành ngữ “Xôi hỏng bỏng không” để chỉ những việc làm không đạt được kết quả gì.
Minh Chính - Sưu tầm