GIỚI THIỆU
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online: 28
Số lượt truy cập: 13463659
QUẢNG CÁO
BÁC HỒ VỚI SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC THIẾU NHI 5/17/2021 4:39:03 PM
Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta và Bác Hồ kính yêu luôn luôn giành cho thiếu niên, nhi đồng sự chăm lo, săn sóc hết sức ân cần và to lớn. Lòng yêu thương sâu sắc, bao la của Bác Hồ đối với thiếu nhi không gì có thể so sánh nổi. Đó vừa là tình cảm của một lãnh tụ cách mạng kiệt xuất vừa là của một người Bác kính yêu vô cùng gần gũi, luôn luôn đồng cảm và chan hoà với các cháu. Điều này quả thật là hiếm, rất hiếm.

Thiếu nhi là lớp quần chúng nhỏ nhỏ tuổi của Đảng, hơn thế các em là một lực lượng cách mạng. Thư gửi các cháu vào Tết Trung thu năm 1952, Bác Hồ viết:

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ

Tuỳ theo sức của mình

Để tham giá kháng chiến

Để giữ gìn hoà bình

Thật vậy, sự đóng góp của mỗi em tuy là nhỏ bé, nhưng triệu, triệu em góp sức, hiệu quả ắt không nhỏ.

Song, điều mà Bác Hồ đặc biệt quan tâm và luôn luôn nhắc nhở, khích lệ các cháu là học tập, học sao cho tốt, cho giỏi, bởi rằng ... “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu...” (1).

Con người là vốn quý, thiếu nhi là vốn quý nhất trong vốn quý ấy. Bác Hồ chỉ rõ: “Ngày nay chúng là thiếu nhi, ít năm sau chúng sẽ là công dân, cán bộ” (2). Điều này có nghĩa rằng hôm nay chúng ta chuẩn bị cho các em như thế nào, nay mai hệ quả gặt hái được sẽ như thế ấy.

Nhằm mục tiêu đào tạo các em thành “người chủ tương lai của nước nhà, người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”(3). Bác Hồ đặt ra yêu cầu thực hiện giáo dục toàn diện đối với thiếu nhi. Vào dịp kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh, Người đã gửi thư cho thiếu niên, nhi đồng cả nước và căn dặn năm điều:

Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào,

Học tập tốt, lao động tốt,

Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt,

Giữ gìn vệ sinh,

Thật thà, dũng cảm.

Năm điều Bác dạy thiếu nhi hàm chứa những truyền thống quý báu từ bao đời nay của dân tộc ta. Đó là truyền thống yêu nước nồng nàn, kiên cường chiến đấu chống mọi kẻ thù xâm lược, ham học hỏi, cầu tiến bộ; đoàn kết, nhân ái, thương người như thể thương thân, lao động cần cù, dũng cảm, sáng tạo và mối quan hệ tin cậy chân thật trong cộng đồng...

Năm điều Bác Hồ dạy thiếu nhi phản ánh những đặc trưng cơ bản của lớp người mới được hình thành trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN mang tính toàn diện rõ rệt. Năm điều ấy cũng phản ánh nguyên lý giáo dục mới của Đảng ta là học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động, sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội.

Tất cả các em cũng như các nhà giáo dục, các cán bộ làm công tác thiếu nhi, các bậc cha mẹ...cần luôn luôn thấm nhuần, quán triệt nội dung Năm điều Bác Hồ dạy trong mọi môi trường giáo dục, rèn luyện, để các em phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, Cháu ngoan Bác Hồ.

Cùng với Năm điều Bác dạy đó, di sản lý luận và những lời dạy, những kinh nghiệm thực tiễn về giáo dục thiếu nhi mà Bác đã để lại cho chúng ta hết sức phong phú trên nhiều bình diện. Trách nhiệm nặng nề, khó khăn của chúng ta là quán triệt, thấm nhuần và vận dụng những tư tưởng, luận điểm, lời dạy của Người sao cho sát đúng, sao cho hiệu quả vào cuộc sống. Bác dạy: “Trồng người phải mất trăm năm”; giáo dục thiếu nhi “phải giữ toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hoá ra những người già sớm” (4) và Bác luôn căn dặn chúng ta việc dạy chữ phải luôn đi đôi với việc dạy các em làm người; việc chăm sóc luôn phải đi đôi với việc bảo vệ thiếu nhi, giáo dục trong tổ chức Đội v.v. nếu bảo vệ không tốt sẽ làm hạn chế, thậm chí xâm hại đến thành quả giáo dục. Và còn biết bao nội dung, luận điểm về giáo dục thiếu nhi của Bác mà chúng ta cần dành nhiều tâm lực, thời gian để nghiên cứu, quán triệt, vận dụng trong điều kiện mới.

Ngay trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác Hồ đã nêu lên vấn đề kết hợp giữa các môi trường giáo dục đối với trẻ em. Bác dạy: “Ở nhà, ở trường, ở xã hội  chúng đều vui, đều học” (5). Ấy chính là sự mở ra các con đường mà ở đó lúc nào các em cũng được vui, được học. Tiếc rằng đã có thời gian chúng ta chưa nhận thức đầy đủ vai trò và trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dưỡng thiếu nhi. Bác viết: “Trẻ em như búp trên cành”. Những cái búp ấy trước hết phải được hưởng đầy đủ sự chăm chút, sự bảo vệ trong vòng tay của những người thân yêu mà sự gương mẫu của bố mẹ, anh chị bao giờ cũng đóng vai trò quyết định trong việc định hướng nhân cách của các em sau này. Vậy nên, Bác dạy rằng các cháu phải học ở nhà trước. Song, hãy thử làm một cuộc điều tra xem có bao nhiêu phần trăm gia đình, nhất là gia đình trẻ, được trang bị kiến thức giáo dục thiếu nhi và chính họ đã thực hiện việc này như thế nào?. Quả thật theo lời Bác dạy, chúng ta còn quá nhiều việc phải làm đối với các em. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, đẩy mạnh CNH, HĐH ngày nay, Đảng và Nhà nước ta chủ trương tạo ra những điều kiện tốt nhất, những cơ hội bình đẳng để các em được chăm sóc, học tập và trưởng thành về mọi mặt, vững vàng bước vào thế kỷ 21 trong tư thế “sánh vai các cường quốc năm châu”.

57 năm về trước, từ Nà Mạ (Cao Bằng) Đội ta ra đời. Bác Hồ đã làm thơ giới thiệu tổ chức yêu nước của thiếu nhi lúc ấy:

Nhi đồng cứu quốc Hội ta

Ấy là lực lượng, ấy là cứu tinh...

Nhân ngày kỷ niệm thành lập Đội, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về Bác Hồ đối với sự nghiệp giáo dục thiếu nhi để khắc sâu thêm vào tâm khảm công lao trời biển của Bác kính yêu.

                                                                                                                                              Văn Tùng

Chú thích:

1), 2), 3), 4), 5): Hồ Chí Minh “về giáo dục thanh niên”. NXB Thanh niên, Hà Nội, 1980, tr61, 91, 92, 302 và các tư liệu lịch sử của Ban lịch sử Đoàn và phong trào thanh niên thuộc TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Nguồn: Báo Nhân dân. Ngày 15 tháng 5 năm 1998
TÌM KIẾM


Hỗ trợ trực tuyến
Lê Đình Lý
Lê Đình Lý
Hiệu trưởng
Nguyễn Đăng Lưu
Nguyễn Đăng Lưu
Admin
ĐĂNG NHẬP

Tên đăng nhập
Mật khẩu
HÌNH ẢNH
LIÊN KẾT WEBSITE


TRƯỜNG THCS PHONG THỦY - HUYỆN LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 0232.3882654 - Email: thcsphongthuy@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường. Tel: 0912.037911 - Mail: cuonggiaoduc@gmail.com