GIỚI THIỆU
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online: 32
Số lượt truy cập: 13463659
QUẢNG CÁO
HÌNH ẢNH NGƯỜI THẦY TRONG THƠ CA QUA CÁC THỜI KÌ 11/21/2022 9:27:42 AM

21-11-22.jpg

"Có một nghề bụi phấn bám vào tay
Người ta bảo là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây vào đất
Lại nở cho đời những đoá hoa thơm"

 

 

 Giai điệu và  âm vang của những lời thơ  như một nốt nhạc  vang lên chạm đến trái tim người đọc, nó gợi nhắc chúng ta  nhớ đến hình ảnh những người Thầy người Cô với những tình cảm thân thương, trìu mến. Trong mỗi người dân Việt Nam, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” như đã in sâu vào máu thịt. Vì thế giai đoạn nào  trong thơ ca hình ảnh người Thầy  cũng được hiện lên rõ nét và sâu sắc.Từ xa xưa, vai trò, vị trí của người Thầy đã được đề cao, trân trọng qua câu tục ngữ: “Không thầy đố mày làm nên”

“Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”

 như một minh chứng cho truyền thống tôn sư trọng đạo - một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay. Người thầy không chỉ là người truyền đạt tri thức, thắp lên ngọn lửa về ước mơ, niềm tin và hy vọng mà còn là tấm gương sáng cho bao thế hệ học trò noi theo. Người thầy luôn tượng trưng cho những gì chuẩn mực, đạo lý và người thầy còn có sứ mệnh cao quý là truyền đạo lý đó cho các thế hệ học trò của mình, giúp họ trở thành người có học vấn, có nhân cách tốt đẹp, có năng lực giúp ích cho đời, cho dân, cho nước.  Không có Thầy dạy dỗ, không có sự dìu dắt của Thầy thì làm sao ta có thể nên người, làm sao ta có thể vượt qua được những cạm bẫy trong cuộc đời để sống và cống hiến?

       Từ khi cất tiếng khóc chào đời, chúng ta được ôm ấp, che chở, yêu thương bởi biết bao vòng tay ấm áp. Khi còn nhỏ, ta được cha mẹ chăm sóc, lo lắng, ta chịu ơn  nuôi dưỡng “cao như núi Thái Sơn” của cha, chịu cái nghĩa sinh thành “như nước trong nguồn chảy ra” mãi mãi không bao giờ vơi cạn của mẹ. Để rồi khi lớn lên, ta được uốn nắn bởi

bàn tay ân cần của người Thầy:
                                                  Mẹ cha công sức sinh thành
                                              Ra đường thầy dạy học hành cho hay.
         Ai cho ta biết “thương người như thể thương thân”, ai cho ta biết “lá lành đùm lá rách”, ai dạy ta lễ phép, biết “kính trên nhường dưới” và ai cho ta con chữ? Đó không ai khác là người Thầy:
                                                   “Công cha, áo mẹ, chữ thầy
                                            Gắng công mà học có ngày thành danh”
           Nhân dân ta quan niệm rằng một ngày là thầy, cả đời là cha. Thầy đáng được kính trọng như cha như mẹ. Những người “kĩ sư tâm hồn” ấy vẫn hằng ngày miệt mài bên trang giáo án để đem đến cho học sinh những điều bổ ích nhất. Công ơn của Thầy cô to lớn biết nhường nào. Vậy nên, biết ơn, báo đáp và tri ân Thầy Cô là việc làm không thể thiếu đối với mỗi học sinh chúng ta. Đúng như ý nghĩa của câu ca dao:
                                                Bao giờ anh chiếm bảng vàng
                                        Ơn thầy ta trả, nghĩa nàng nào vong.

          Phải khẳng định rằng, ca dao, tục ngữ đã ghi nhận những công lao to lớn của người Thầy cũng như tình cảm của học trò dành cho người Thầy đáng kính của mình.

         Không chỉ có thơ ca dân gian xưa mới nhắc đến hình ảnh người thầy, người cô giáo mà từ khi Tổ quốc bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), rồi hai mươi mốt năm đánh Mĩ và xây dựng cuộc sống mới trên miền Bắc, dù cả dân tộc phải gian khổ suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ, bên cạnh đề tài viết về hình tượng Tổ quốc và nhân dân, hình tượng người lính... hình ảnh mái trường và người thầy cũng hiện lên thật đậm nét.Hình tượng thầy Nguyễn Tất Thành, thầy Võ Nguyên Giáp xuất hiện trong thơ ca hiện đại như một sự cảm phục về tâm hồn và đức độ cao cả, niềm khát vọng gieo mầm chữ cho giống nòi nước Việt trong hoàn cảnh đất nước bị ngoại bang xâm chiếm.Đây là nỗi lòng thầy Nguyễn Tất Thành ngày đi tìm đường cứu nước, rời xa mái trường Dục Thanh, xa những người học trò cũ yêu thương:

“Bến Nhà Rồng sóng nước mênh mông

Phút ngoảnh lại xóm làng lùi xa mãi

Ôi những mái đầu xanh thơ dại

Các em biết đâu nỗi khát vọng lòng thầy”

                                                                        (Thăm trường Dục Thanh - Lê Thành Văn).

Đó còn là niềm cảm phục của nhiều thế hệ học trò trước người thầy Võ Nguyên Giáp:

“Đất nước có Thầy, nhân nghĩa sáng trong hơn

Dù danh tướng được người đời trao tặng

Giặc nước đuổi xong rồi, Thầy trở về bình lặng

Mở trang sử năm nào vẫn bài học nước Nam”

                                                                     (Nhớ thầy Võ Nguyên Giáp - Lê Thành Văn).

         Từ trong những năm tháng chiến tranh đau thương, gian khổ, khốc liệt, hình ảnh người thầy giáo thương binh năm nào cũng được Trần Đăng Khoa khắc họa bằng những vần thơ làm xúc động lòng người: 

“In lên cổng trường những chiều giá buốt

In lên cổng trường những đêm mưa dầm

Dấu nạng hai bên như hai hang lỗ đáo

Chúng em nhận ra bàn chân thầy giáo

Như nhận ra cái chưa hoàn hảo

Của cả cuộc đời mình”

                                                                         (Bàn chân thầy giáo - Trần Đăng Khoa).

         Ngày trở về thầy đã không còn nguyên vẹn như xưa mà “bàn chân thầy đã mất”, nhưng tình yêu và những bài học thầy dành cho học trò của mình vẫn vẹn nguyên hơn bao giờ hết. Tình yêu ấy đã tiếp thêm sức mạnh lớn lao thôi thúc lòng căm thù giặc và nuôi giữ trong trái tim mỗi người học trò tình yêu Tổ quốc, yêu quê hương tha thiết.

          Và suốt dọc thời bình, những người thầy vẫn miệt mài làm người ươm hạt, người đưa đò thầm lặng. Bao nhiêu thế hệ học trò đã cặp bến bờ tri thức, mang theo một lòng tri ân vô hạn. Riêng người thầy vẫn tự nhủ con đường mình đang đi vẫn còn xa, xa lắm:

“Con đò mộc - mái đầu sương

Mãi theo ta khắp muôn phương vạn ngày

Khúc sông ấy vẫn còn đây

Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông...

                                                                                           (Người lái đò - Thảo Nguyên).

          Lật giở từng trang viết, ta bắt gặp các trang thơ, trang văn, các bản nhạc chứa chan xúc cảm. Giữa bộn bề lo toan, suy ngẫm thường nhật của người thầy, người cô, chợt có phút giây lặng mình trong rất khẽ câu thơ:

“Mỗi nghề có một lời ru

Dở hay thầy cũng chọn ru khúc này

Lời ru của gió màu mây

Con sông của mẹ đường cày của cha…”

 Từ trang giấy tinh khôi vang vọng bản nhạc da diết, sâu lắng với vô vàn cung bậc trầm bổng, xoáy vào lòng người những dòng suy tưởng đa chiều: “Trên những nẻo đường của Tổ quốc xanh tươi, có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương, có những bài ca nghe rạo rực lòng người, bài ca ấy loài hoa ấy đẹp như em, người giáo viên nhân dân”; Bên ánh đèn khuya em đã thức bao đêm, dưới chiến hào dân quân nhiều trận có em. Có những cuộc chia tay dạt dào kỷ niệm; người cầm bút , người cầm súng, người đi xa hằng nhớ ghi trong tim”

         Lòng biết ơn sâu nặng về người thầy dạy ta đạo lí sống ở đời hiện lên thật chân thành và tha thiết trong thơ Nguyễn Bùi Vợi:

“Thầy đã giảng cho con về đất nước nhân dân

Để lúc mặc lành không quên người áo vá

Ăn miếng ngon nhớ bàn tay người trồng khoai, đỡ củ

Câu ca dao đau đáu một đời”.

                                                                                               (Thăm thầy giáo cũ).

        Đời thường hơn, nhà thơ Vũ Quần Phương có bài “Trường con” viết về cô giáo mầm non thật cảm động: “Cô lấy lòng yêu dạy các con/Chữ C: Trăng khuyết, chữ O: Tròn/Con ơi trăng khuyết, trăng tròn lại/Riêng tấm lòng cô vẫn sớm hôm”.

       Có lẽ những hình ảnh về người giáo viên đã đi vào thơ nhạc không những là tiếng lòng của biết bao thế hệ mà còn là những mẫu hình về lẽ sống, về lí tưởng sống mà mỗi người đều hướng đến để thanh lọc tâm hồn mình. Bằng tất cả tình cảm trân trọng dành cho nhà giáo và nghề giáo, với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo”, ngọn lửa tình yêu cuộc sống, tình yêu con người, tình yêu nghề giáo sẽ mãi mãi rực sáng trong tâm trí chúng ta; thúc giục chúng ta phấn đấu xây dựng một xã hội công bằng, tốt đẹp. Xin khép lại bài viết bằng những dòng thơ cuối bài thơ “Có một nghề như thế” của  Nhà giáo Ưu tú Đinh Văn Nhã như một lời tri ân:

“Ôi Trời Đất giao cho ngành ta trọng trách lớn
Nghiệp mênh mang mà chức sắc lại cỏn con!
Ta luôn ước mơ cho Đất nước được vuông tròn
Thoát địch họa và tai ương rình rập
Phải gắng xây một lâu đài vững chắc
Cho Tổ Quốc được yên vui, Thế giới được thái bình.
Cho Quê hương ta trong đó có mình
Được hưởng trọn quang vinh ấm no hạnh phúc!
Nghề Nhà Giáo được vinh danh tiến bước
Cùng mọi nghề xây mực thước cho đời
Cho Thiên hạ mãi mãi xanh tươi
Cho cuộc sống được đổi đời oanh liệt
Cho thế gian ai ai cũng nhận biết
Nghề Giáo là Thầy giúp đất nước được thăng hoa!”

 

 

 

Tác giả: Nguyễn Tâm

 

TÌM KIẾM


Hỗ trợ trực tuyến
Lê Đình Lý
Lê Đình Lý
Hiệu trưởng
Nguyễn Đăng Lưu
Nguyễn Đăng Lưu
Admin
ĐĂNG NHẬP

Tên đăng nhập
Mật khẩu
HÌNH ẢNH
LIÊN KẾT WEBSITE


TRƯỜNG THCS PHONG THỦY - HUYỆN LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 0232.3882654 - Email: thcsphongthuy@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường. Tel: 0912.037911 - Mail: cuonggiaoduc@gmail.com