GIỚI THIỆU
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online: 44
Số lượt truy cập: 13463659
QUẢNG CÁO
NGƯỜI THẦY 11/18/2021 3:02:07 PM
Cứ mỗi lần những ca từ ấy cất lên, chúng ta lại nhớ đến hình ảnh người thầy với những tình cảm thân thương, trìu mến. Trong bề dày lịch sử, văn hóa của dân tộc ta, người thầy luôn là biểu tượng mẫu mực về trí tuệ, nhân cách, đạo đức, lối sống. Thời đại nào xã hội cũng luôn đặt ra yêu cầu cao về chuẩn mực của người thầy và sự trân trọng dành cho nghề nhà giáo. Người thầy ở mọi thời đại đều mang trong mình niềm tự hào khi được làm nghề cao quý, thiêng liêng.

Người thầy, vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa
Từng ngày, giọt mồ hôi rơi nhòe trang giấy.

Để em đến bến bờ ước mơ,
Rồi năm tháng sông dài gió mưa,
Cành hoa trắng, vẫn lung linh trong vườn xưa...

 

Trong xã hội phong kiến, vai trò của người thầy dạy học luôn được xã hội rất mực coi trọng, họ là những ông đồ, ông nghè, được học chữ “thánh hiền” nên  những con người này luôn có ý thức trau dồi tài năng và giữ gìn phẩm hạnh. Chính vì vậy,  những  ông đồ, ông nghè ở xã hội phong kiến luôn được xã hội thời đó gửi gắm niềm tin, luôn coi họ là những hình mẫu, những chuẩn mực và là hình tượng để vươn tới. Họ chọn nghề dạy học để có điều kiện ươm mầm, đào tạo những người học trò của mình có tài có đức để giúp dân cứu nước, kiến tạo một xã hội công bằng, thịnh vượng.

 

18-11-21-1.jpg

Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”

Câu ca dao qua lời mẹ ru ấy không biết từ lúc nào đã đi sâu vào trí nhớ của những người dân Việt Nam. Ngay từ thuở còn bé, chúng ta đã được dạy về truyền thống “Tôn sư trọng đạo” đã có từ lâu đời của dân tộc. Quả thật, vai trò của người làm thầy trong bất cứ thời kì nào cũng đáng được trân trọng. Thầy là người dạy cho ta bao điều hay lẽ phải, thầy cho ta biết cách đối nhân xử thế, thầy uốn nắn cho ta những nét chữ đầu tiên, thầy đưa ta đến những chân trời mới. Thử hỏi, không có thầy liệu ta có làm được như vậy không? Không có thầy, mãi mãi ta sẽ không biết đến kho tàng tri thức, không bao giờ bước tới bục vinh quang:


                                                Mấy ai là kẻ không thầy

                              Thế gian thường nói đố mày làm nên.   

Trong xã hội xưa, người thầy có vị trí vô cùng quan trọng, thứ bậc của người thầy được tôn vinh bởi các nguyên tắc bất di bất dịch: Quân, sư, phụ và bởi những quan niệm hết sức tốt đẹp “Không thầy đố mày làm nên”. Người thầy không chỉ là người dạy chữ mà còn dạy những lễ nghi, phép tắc, đạo đức dạy cách làm người theo chuẩn mực khắt khe của xã hội. Vì thế, người thầy trong truyền thống là những người có trí tuệ sâu rộng, am hiểu sách thánh hiền, đạo đức cao cả, cái tâm trong sáng, luôn coi trọng danh dự, lương tâm, luôn giữ gìn khí tiết thanh cao. Họ là người thầy mẫu mực về nhân cách, uyên thâm về trí tuệ. Hình ảnh người thầy xưa đã trở thành một nét đẹp văn hóa, được hình thành và gìn giữ và phát huy qua biết bao thế kỉ.

Theo dòng thời gian và sự phát triển của xã hội, phẩm chất của người thầy vẫn luôn được đề cao nhưng ít nhiều có sự  đổi thay trong phương pháp giáo dục để phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn lịch sử. Song trong bất kỳ xã hội nào, giai đoạn phát triển nào của đất nước thì người thầy vẫn giữ vai trò vô cùng quan trọng, bởi vì họ là những người trực tiếp làm công tác giáo dục, trực tiếp đào tạo thế hệ tương lai. Đất nước có giàu mạnh hay không một phần là nhờ vào giáo dục.

Ngày nay, trước xu thế phát triển của thời đại đang đặt ra những yêu cầu đổi mới giáo dục một cách “căn bản, toàn diện”, người thầy một mặt vẫn kế thừa những phẩm chất, nhân cách của người thầy truyền thống, vừa phải không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy học sinh là trung tâm, là người truyền cảm hứng say mê học tập, nghiên cứu cho học sinh, đồng thời liên tục cập nhật kiến thức mới, ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng những phương pháp, kĩ thuật hiện đại vào bài giảng, dạy trên nguyên tắc học đi đôi với hành dần dần đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức và mỗi thầy cô phải là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo cho học trò noi theo. Muốn làm được điều đó bản thân mỗi thầy cô phải tự rèn luyện mình cho xứng đáng với vị trí, vai trò của người thầy. Thầy phải luôn giữ vững phẩm chất chính trị, phải có lối sống giản dị, lành mạnh, trong sáng, luôn giữ mối quan hệ tốt với cộng đồng, xã hội, được mọi người yêu quý và kính trọng. Để khẳng định vị trí của mình trên bục giảng, người thầy phải tận tâm, yêu nghề, luôn tìm tòi, sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và mỗi người thầy phải xem nghề nghiệp của mình là một sứ mạng cao cả mà cả xã hội trông chờ và tin tưởng.

18-11-21-2.jpg

Một mùa Hiến chương nữa lại về, xin chúc những người thầy – những kĩ sư tâm hồn luôn yêu nghề, mến trẻ, tràn đầy nhiệt huyết để cống hiến cho sự nghiệp trồng người, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: "Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”.

 

Người viết: Phương Thanh 

TÌM KIẾM


Hỗ trợ trực tuyến
Lê Đình Lý
Lê Đình Lý
Hiệu trưởng
Nguyễn Đăng Lưu
Nguyễn Đăng Lưu
Admin
ĐĂNG NHẬP

Tên đăng nhập
Mật khẩu
HÌNH ẢNH
LIÊN KẾT WEBSITE


TRƯỜNG THCS PHONG THỦY - HUYỆN LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 0232.3882654 - Email: thcsphongthuy@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường. Tel: 0912.037911 - Mail: cuonggiaoduc@gmail.com